Tết này, mình quyết tâm sẽ đem sự “đảm đang” về cho mẹ. Với những món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, mứt, dưa muối, củ kiệu,.. mình đã học theo công thức trên mạng và thực hành, với phương châm “ngon thì ăn, dở thì.. năm sau không làm nữa :))))”

** Chú ý! Chú ý! Ở đây chỉ có các bước làm, không có công thức!

Bánh chưng

Món bánh chưng này thì mình tự tin khoe là mình đã có kinh nghiệm gần chục năm rồi, mỗi năm ba mình gói bánh chưng, mình đều mon men tới và xin làm 2-3 chiếc bánh chưng mini. Kinh nghiệm quá dày dặn, mỗi năm chỉ thực hành 1 lần, gói không cần khuôn, còn độ vuông vức thì tùy vào sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của năm đó như thế nào.

Bánh chưng thì cần các nguyên liệu chính là gạo nếp, đậu xanh, thịt heo (cả mỡ cả nạc), lá dong và lạt. Rửa sạch sẽ và để ráo nước.

Các bước gói bánh chưng lần lượt là: Chọn lá phù hợp với kích thước bánh mình muốn làm, gấp lá, xếp lá, cho 1 lớp gạo nếp, 1 lớp đậu xanh, 1 lớp thịt và 1 lớp gạo nếp, tiếp tục gói lá và ghim bánh bằng lạt cứng.

Sau đó ba mình sẽ giúp mình xếp 2 chiếc bánh chưng lại, gói thêm 1 lớp lá bên ngoài nữa, sau đó để vào nồi nấu bánh cùng những cái bánh to khác do ba gói. Nấu khoảng 12 tiếng, cần canh lửa và đổ nước liên tục.

Những chiếc bánh mini của mình thường được sử dụng để thử bánh xem đã chín chưa.

Mứt dừa

Các bước làm mứt dừa cũng khá đơn giản, chỉ cần kiên nhẫn thôi là làm được rồi – “vui vẻ hông quạu”.

Bước 1: Chọn những trái dừa khô, nạo thành những sợi mỏng, dài.

Bước 2: Ngào đường (thì mình đã chú ý ở trên, ở đây mình không nói đến công thức – “chúng ta cứ đổ đường cho đến khi nào tổ tiên ta bảo dừng lại thì dừng”). Để đâu đó khoảng 1-3 tiếng thì đường tan hết.

Bước 3: Bắc chảo lên bếp, đổ dừa và nước đường vào chảo, rồi cứ thể đảo đều, đảo đều.

Đảo hoài, đảo mãi, đảo cho đến khi khô nước và đường kết lại thành bột như phấn ấy, là được. À, chị mình có chỉ một mẹo nhỏ là vắt ít chanh vào sẽ giúp dừa được trắng hơn.

Bước 4: Để vào bịch, cột kín hơi, bảo quản chắc được hơn tháng lận đó.

Thành quả sẽ là một đĩa mứt dừa vừa dai vừa giòn, ăn ngậy vị dừa, ngọt vị đường và ăn hoài hông thấy chán.

Dưa món

  • Dưa món từ đu đủ và cà rốt

Bước 1: Làm sạch đu đủ, gọt vỏ, gỡ hột và lớp màng bên trong. Sau đó cắt nhỏ thành từng khúc vừa đũa gắp.

Cà rốt cạo sạch vỏ, tỉa hoa, cắt khúc dày vừa ăn

Bước 2: Đem hỗn hợp này ra phơi ngoài nắng tới khi héo queo, héo quắt là được.

Bước 3: Sau đó, ngâm và rửa lại với nước sạch cho hết bụi bẩn, sau khi ngâm sẽ lại sình lên gần bằng lúc chưa phơi.

Bước 4: Có 2 loại dưa món đó là ngâm muối và ngâm đường nước mắm

Đối với ngâm muối, mình ngâm hỗn hợp với vài củ hành khô, cùng muối pha loãng với nước lọc, để vào bình kín và dùng vật cứng ép xuống chìm dưới nước muối.

Đổi với ngâm đường nước mắm, mình cần nấu hỗn hợp nước nắm + đường + ớt + dấm gạo, để nguội sau đó cũng để hết vào bình kín, dùng vật cứng ép xuống chìm dưới mặt nước.

Để khoảng 2-3 ngày là ăn được.

  • Dưa món từ dưa leo

Dưa leo sau khi rửa sạch, cắt nhỏ, bóp với muối, rồi lại ngâm nước cho nhạt bớt muối, rồi lại vắt cho sạch nước. Tỏi và ớt chia làm 2 phần, 1 phần cắt cục nhỏ, 1 phần băm nhuyễn. Trộn 2 phần này với dưa leo. Nấu hỗn hợp nước mắm, đường, giấm, sau đó để nguội. Ngâm tất cả vào một hộp kín, chèn vật gì đó nặng để phần dưa leo chìm dưới mặt nước. Để khoảng 2-3 ngày là ăn được.

Bò ngâm

Bước 1: Thịt bò luộc với gừng, sả đập dập trong khoảng 30 phút

Bước 2: Tỏi ớt bóc vỏ, rửa sạch, để nguyên không cắt

Bước 3: Nấu nước mắm + đường + giấm ăn đun sôi, để nguội

Bước 4: Ngâm tất cả vào nước mắm đường ngập thịt

Sữa chua

Sữa chua nhà làm, dung tích tùy thuộc vào sở thích mỗi người, nguyên liệu chính của món sữa chua này là sữa bò tươi nguyên chất 100%.

Bước 1: Đun sôi sữa bò, sau đó để nguội – âm ấm thôi, đừng quá nguội mà cũng đừng quá nóng.

Bước 2: Lấy sữa chua (mua ngoài tiệm), trộn với một ít sữa bò mới để nguội. Khuấy đều hỗn hợp và đổ vào nồi sữa bò lúc nãy.

Bước 3: Tráng sạch dụng cụ để sữa chua bằng nước sôi (ở đây mình dùng ly cối).

Bước 4: Lần lượt đổ sữa đầy các ly

Bước 5: Để ly vào một cái nồi lớn, dùng giấy trắng đậy lại, để hơi nước không bị rơi xuống ly sữa chua.

Để qua 1 đêm, sáng hôm sau đã có thể ăn được rồi. Một lớp bơ beo béo sánh mịn ở trên, ở dưới đã quẹo đặc lại như sữa chua, ăn rất ngon và tốt cho hệ tiêu hóa.

Sau khi thực hành các món ăn này, với độ thành công 3/10 món (có vài món quá lỗi nên mình không dám để lên đây) thì mình quyết định: “NĂM SAU MÌNH SẼ KHÔNG LÀM NỮA!”. Các bước làm hoàn toàn như trên Internet chỉ, nhưng có lẽ mình không được độ ở bước nêm nếm gia vị :))))

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *